Không khí lạnh đã lan tỏa tại khắp mọi nơi, không chỉ ở nước ta mà còn ở khắp mọi nơi trên thế giới. Hiện tại, Hà Nội đang là 16 độ C, California (Mỹ) đang 10 độ, Adadyr (Nga) thì nhiệt độ đã xuống tới âm 24 độ C. Một người bạn của mình tại Pháp cũng cho biết là nhiệt độ chỉ còn có 5 độ C và cô ấy bảo "đang lạnh sắp chết rồi!". Câu nói của cô ấy làm mình tự hỏi con người chịu lạnh được tới bao nhiêu? Và ở mức nhiệt độ nào thì con người sẽ chịu không nổi nữa? Khi nhiệt độ hạ thấp thì cơ thể người sẽ chịu những tổn thương nào? Mời các bạn cùng mình tìm hiểu nhé.
Các cơ chế "tích hợp sẵn" trong cơ thể người để chống lại cái lạnh
Trên thực tế, cơ thể của chúng ta thật sự kỳ diệu, dường như tạo hóa đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta các phương án để đối phó với sự khắc nghiệt của môi trường. Và đối với cái lạnh, cơ thể đã được "tích hợp" các cơ chế để bảo vệ tính mạng chúng ta.
Ngay khi những cơn gió lạnh táp vào mặt, cơ thể chúng ta sẽ tự phản ứng bằng cách chuyển máu tránh xa da cũng như các bộ phận nhô ra bên ngoài như ngón tay, ngón chân và chuyển lượng máu đó vào khu vực trung tâm của các cơ quan này. Quá trình này được gọi là sự co mạch (vasoconstriction) và nó giúp giới hạn lượng nhiệt thất thoát ra ngoài môi trường.
Phản ứng thứ 2 từ cơ thể là run lên. Ngay khi nhiệt độ hạ xuống, một số người sẽ bắt đầu rùng mình, nổi da gà, răng đánh vào nhau và tiếp theo đó là rung bần bật lên. Thật ra, khi cảm nhận được cái lạnh, "cảm biến" sẽ gởi tín hiệu về não và não sẽ đáp ứng bằng một loạt những cảnh báo. Sự run rẩy là một trong những cảnh báo đó. Lúc này, cơ bắp của con người sẽ co giãn liên tục. Một cách nôm na, phản ứng này giúp cơ thể tạo thêm nhiệt độ, làm thân nhiệt tăng lên đồng thời cảnh báo cho con người biết rằng "đã đến lúc tìm nơi ấm áp hơn rồi đó."
2 cơ chế trên được biểu hiện qua nhiều phản ứng khác, các bạn có thể theo dõi thêm tại bài viết "những phản ứng của con người khi gặp thời tiết lạnh." Nhưng nếu các cảnh báo đã được não bộ đưa ra, nhưng chúng ta không thể tìm được nơi ấm áp để trú ẩn và cơ thể phải tiếp tục ở trong môi trường nhiệt độ thấp thì sao?
Tổn thương trước khi "đóng băng"
Dưới góc độ y học, khi nhiệt độ trung tâm (core temperature) của cơ thể hạ xuống thấp, cơ thể bắt đầu xuất hiện hạ thân nhiệt (hypothernmia). Hạ thân nhiệt từ trung bình đến nặng xảy ra khi thân nhiệt xuống dưới 32,2 độ C. Đây là một tình trạng lâm sàng của nhiệt độ dưới mức bình thường, lúc cơ thể không còn khả năng sinh nhiệt để duy trì các hoạt động bình thường. Và nếu cơ thể vừa chịu lạnh, lại bị ướt thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Cơ thể ẩm ướt sẽ mất nhiệt nhanh gấp 25 lần so với trong không khí.
Theo giáo sư John Castellani, trưởng khoa thân nhiệt và môi trường vùng núi tại Viện nghiên cứu môi trường quân y Hoa Kỳ cho biết nhiệt độ trung tâm bình thường của cơ thể người là 37 độ C và hiện tượng hạ thân nhiệt nhẹ sẽ xuất hiện lúc thân nhiệt xuống còn 35 độ C. Và nếu tiếp tục xuống nữa, tình hình sẽ tiến triển theo hướng xấu.
Thân nhiệt tại 32,2 độ C, cơ chế bù trừ bắt đầu suy giảm, trạng thái tâm thần có thể biến đổi và thậm chí, bạn có thể bị mất trí nhớ.
Thân nhiệt tại 27,7 độ C, bạn bắt đầu mất ý thức
Thân nhiệt xuống dưới 21 độ C, trạng thái hạ thân nhiệt nặng diễn ra và con người sẽ chết.
Kỷ lục ghi nhận thân nhiệt thấp nhất của một người trưởng thành từng được biết đến là 13,7 độ C. Lúc đó, người này đã bị ngâm trong nước lạnh và đóng băng trong thời gian khá lâu.
Các thương tổn nguy hiểm do nhiệt độ thấp
Chưa đến mức phải chết, nhưng các tổn thương do lạnh giá gây ra cũng không kém phần nguy hiểm. Giáo sư John Castellani cho biết: "Nếu như nhiệt độ trung tâm của cơ thể phải mất khá lâu thì mới giảm xuống, thì nhiệt độ khu vực ngoại vi lại giảm xuống khá nhanh chóng."
Các ngón tay, ngón chân sẽ dễ bị tổn thương do lạnh giá nhất do các khu vực này sẽ bị giảm lượng máu lưu thông trước tiên khi nhiệt độ hạ xuống. Thậm chí, mặc dù chúng ta có thể đeo găng tay hoặc mang tất nhưng nhiệt độ ngón tay, ngón chân vẫn sẽ rất thấp và nếu bạn lại bị đổ mồ hôi, sự ẩm ướt càng làm cho khu vực này bị mất nhiệt nhiều hơn.
Tuy nhiên, nhiệt độ không khí vẫn còn trên 0 độ C thì các tổn thương do lạnh giá vẫn chưa diễn ra. Theo các nhà nghiên cứu, những tổn thương thường xuất hiện khi nhiệt độ môi trường xuống dưới điểm đông 0 độ C. Castellani cho biết: Nếu bạn phải chịu những cơn gió lạnh âm 9,4 độ C trong thời gian dài thì sự tê cóng nặng sẽ xuất hiện và các thương tổn do lạnh giá mới tăng lên."
Đồng thời, việc "quãng thời gian" để các tổn thương xuất hiện thì còn phụ thuộc vào các điều kiện môi trường. Ví dụ nếu nhiệt độ môi trường đang là âm 17,8 độ C và những cơn gió rét âm 28,3 độ C, bạn sẽ chịu các thương tổn do giá rét sau 30 phút đứng trong môi trường này. Tuy nhiên, thời gian này sẽ chỉ còn có 5 phút nếu bạn đứng trong môi trường âm 26 độ C và những cơn gió rét âm 48,3 độ C thôi liên tục.
Dù vậy, theo Castellani thì mặc dù những nguy cơ khá cao, nhưng con người có thể ra ngoài trong nhiệt độ môi trường cực kỳ lạnh và vẫn có thể sinh tồn. Bằng chứng là những người leo núi hoặc thám hiểu bắc cực,… Đồng thời, chúng ta đã có những người bơi qua eo biển Manche khi nhiệt độ nước rất thấp. Tuy nhiên, không phải khả năng chịu lạnh của mỗi người là như nhau, có thể những người này phải trải qua quá trình luyện tập trong thời gian dài để cơ thể dần thích ứng với nhiệt độ lạnh. Khi đó, cơ thể sẽ hình thành khả năng sản xuất và duy trì thân nhiệt hiệu quả hơn so với người bình thường.
Do đó, đừng nên mang cơ thể ra thí nghiệm khả năng chịu đựng nhiệt độ thấp. Bạn vẫn có thể mắc bệnh và chịu nhiều thương tổn do thời tiết lạnh giá gây ra nếu không được rèn luyện trước. Nếu vậy, hãy tự giữ ấm và nhắc nhở mọi người xung quanh cũng làm vậy để có được mùa đông tuyệt vời và nhiều sức khỏe nhé. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hy vọng rằng bài viết đã cung cấp cho các bạn thêm một số thông tin thú vị về mua đông của chúng ta. Có thể đọc đến những dòng này thì điện thoại hay tablet của các bạn cũng đã đủ nóng lên để sưởi ấm cho bàn tay các bạn rồi đó. Chúc các bạn có mùa đông ấm áp bên áo lạnh hoặc người thân nhé. Chúc vui vẻ.