Diễn đàn Mẹ và Bé
Rượu bia hay đồ uống có cồn nói chung luôn là thức uống rất được ưa chuộng ở những buổi tiệc tùng, hội họp, vui chơi, hay thậm chí còn có thể dùng để...giải sầu. Tuy vậy, ngoài công dụng thuộc hàng "siêu đẳng" là khiến người uống có thể tạm thời gác lại những trăn trở trong lòng để hòa mình vào đêm dài cuồng nhiệt, rượu bia còn có thể "knock out" bất kì ai một cách dễ dàng đi cùng với những cơn đau đầu hoặc nôn mửa dữ dội.
Bạn sẽ dễ dàng "đo ván" nếu không biết mình đang uống gì. H/a: Tumblr
Về cơ bản, thành phần chung của rượu bia đều là ethanol (cồn) nhưng yếu tố làm nên mức độ "sát thương" nói trên lại là những thành phần đi kèm được pha chế tùy vào từng loại thức uống. Vậy nên, uống nhiều không hẳn sẽ khiến chúng ta "ngắc ngứ" - nhưng uống gì và uống như thế nào mới chính là yếu tố sẽ quyết định bạn có "nằm lại" sàn nhảy đêm nay hay không. Và bảng xếp hạng 8 loại đồ uống có cồn sau đây sẽ đánh giá rõ ràng nhất đâu là địch thủ "nguy hiểm nhất" party-goers phải dè chừng:
#8. Vodka
Chắc hẳn sẽ không ít người cảm thấy bất ngờ khi một "sát thủ" nổi tiếng như vodka lại đứng chót bảng xếp hạng. H/a: Tumblr
Được chưng cất bằng cách lên men các loại ngũ cốc, rau hoặc khoai tây... vodka sau đó được lọc đi lọc lại nhiều lần để đảm bảo sản phẩm luôn có độ tinh khiết cao nhất. Các loại vodka thường có mức độ cồn lên đến 40% - nhưng đừng thấy thế mà "xanh mặt" khi theo một nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa Anh Quốc; vì được lọc quá tinh khiết nên vodka hoàn toàn không có "congener", chất sản sinh ra trong quá trình lên men có ảnh hưởng rất nhiều tới tình trạng say xỉn. Vì vậy, thức uống này sẽ trở nên khá "vô hại" đối với những "cao thủ" ăn chơi đẳng cấp.
"Mức sát thương" đạt 3/10.
#7. Gin
H/a: Getty
Cũng giống như vodka, gin là một loại rượu khá tinh khiết - nhưng những thành phần đi kèm trong loại đồ uống này mới là thứ khiến bạn phải "dè chừng" nếu không muốn ôm đầu vật vã sáng hôm sau.
Về cơ bản, không quan trọng chúng ta uống rượu gì, vì triệu chứng đầu tiên khi cơn say bắt đầu ập đến là khát nước. Điều này xảy ra là vì cồn sẽ kích thích hoạt động của hoóc-môn vasopressin - vốn có chức năng lợi tiểu và khiến chúng ta "xả lũ" nhiều hơn bình thường.
Đối với gin, hiệu ứng mất nước này còn được dịp hoạt động mạnh mẽ hơn nữa khi thức uống này thường được dùng chung với quả bách xù (juniper berry) - vốn có chức năng điều hòa thận rất nhanh để khiến cơ thể đào thải ra nhiều nước liên tục và liên tục.
"Mức sát thương" đạt 4/10.
#6. Beer
H/a: Getty Images
Nếu biết uống điều độ và đúng cách, khả năng "nằm sân" của bạn hầu như là không có nếu chỉ "đụng phải" bia trong một bữa tiệc . Với nồng độ cồn khá thấp - chỉ từ 3 đến 6%, bia còn có thành phần là các loại ngũ cốc vốn sẽ khiến cho tốc độ hấp thu cồn từ dạ dày vào máu chậm lại.
Bia cũng được pha loãng hơn so với rượu vang và rượu mạnh, đó là lý do vì sao khi uống nhiều chúng ta lại cảm thấy bụng no căng như uống nước.
"Mức sát thương" đạt 4/10.
#5. Vang trắng
H/a: Getty
Với nồng độ cồn vào khoảng từ 10 cho đến 11%, rượu vang trắng sẽ làm cho dạ dày tiết ra nhiều axit hơn, gây kích thích niêm mạc và khiến người uống không vững sẽ dễ dàng "say sóng". Nhưng bên cạnh đó, rượu vang trắng cũng khá tốt cho cơ thể khi sulphite - hợp chất hóa học có trong thức uống này sẽ giảm thiểu sự phát triển của vi khuẩn và bảo vệ cơ thể như một chất bảo quản.
Tuy vậy, luôn chống chỉ định sử dụng rượu vang trắng vói các bệnh nhân hen suyễn vì nguy cơ gây nên các triệu chứng trầm trọng là rất lớn.
"Mức sát thương" đạt 6/10.
#4. Champage
H/a: Getty
Champage và vang sủi được sản xuất với công đoạn tương tự như rượu vang - nhưng vào giai đoạn cuối cùng, men sẽ được thêm vào nhiều hơn để tạo bọt nổ carbon dioxide hấp dẫn thường thấy khi bật nắp. Quá trình lên men này sẽ khiến nồng độ cồn trong champage đạt mức 12%.
Bên cạnh đó, cũng có một giả thuyết cho rằng carbon dioxide trong các bong bóng sẽ mở ra các cơ thắt môn vị, một van điều khiển các thông hút của dạ dày vào ruột. Rượu sau đó có thể vượt qua nhanh hơn vào máu và khiến người uống nhanh say hơn.
"Mức sát thương" đạt 7/10.
#3. Vang đỏ
H/a: Getty
Vang đỏ có nồng độ cồn cao hơn loại trắng, khi thường đat mức từ 12 cho đến 14% do luôn được chưng cất từ nho ở giai đoạn chín già và đậm màu nhất. Với thời gian lên men lâu hơn, các thành phần trong rượu vang đỏ sẽ khiến thức uống này có độc tố nhiều hơn khi tạo ra một thứ hỗn hợp gọi là "rượu gỗ" (wood alcohol).
Thông thường, gan sẽ "xử lý" ethanol đầu tiên khi rượu đã ngấm vào người, nhưng với "wood alcohol" - bộ phận này sẽ phải làm việc hết công suất để đào thải một lượng ethanol gấp 2 lần bình thường. Đây cũng là lý do vì sao bạn cảm thấy "choáng váng" và đôi khi "xay xẩm" lâu hơn nếu không quen uống vang đỏ.
"Mức sát thương" đạt 7/10.
#2. Whisky (Whiskey)
H/a: Santocriativo
Với nồng độ cồn ở vào khoảng 40%, whisky được miêu tả là sẽ đưa người uống vào một "màn sương mù vô định", "lơ mơ" và "đầy cảm hứng".
Vì luôn được chưng cất từ ngũ cốc lên men trong thùng gỗ, "độ sát thương" của whisky thường sẽ khiến nồng độ cồn trong máu người uống đạt mức cao nhất trong số các loại "thức uống ăn chơi". Một nghiên cứu từ BMA cũng cho thấy rằng một ngụm whisky có tác dụng gấp 2 lần khi so sánh với một ngụm vodka.
"Mức sát thương" đạt 8/10.
#1. Brandy (Rượu mạnh)
Brandy gắn liền với những ông trùm có quyền lực, giới chức cấp cao, những ngôi sao "sang chảnh" nhất - và thậm chí là cả mafia. H/a: Forwallpaper
Brandy là tên gọi chung của các loại rượu mạnh được chế biến từ sự chưng cất của rượu vang hoặc từ trái cây nghiền nát rồi ủ lâu trong thùng gỗ một thời gian (ít nhất là hai năm). Sau đó, Brandy sẽ được làm giảm nồng độ rượu bằng cách pha thêm nước cất. Tuy vậy, độ cồn đo được trong "sát thủ" này vẫn luôn cán mốc 40% - báo hiệu bạn sẽ có một trong những cơn đau đầu tệ nhất "sự nghiệp chơi bời" của mình nếu lỡ "đụng phải" brandy trên "chiến trường".
Bên cạnh đó, với thành phần "congener" có trong rượu luôn thuộc hàng "top" - cơ thể của người uống sẽ phải hoạt động nhiều hơn bình thường mới có thể "tống khứ" toàn bộ chất độc nếu đã trót "chè chén" cùng brandy. Trong một thí nghiệm mới đây của mình, tiến sĩ Ian Calder của Bệnh viện Quốc gia về thần kinh học và giải phẫu thần kinh ở London đã so sánh mức độ "sát thương" của brandy đối với rum, whisky và gin. Và kết luận cuối cùng được đưa ra của ông là cả 3 loại trên đều "bít cửa" 100% với brandy.
Tip: Brandy càng "lớn tuổi", khả năng "knock out" người uống càng cao.
"Mức sát thương" đạt 9/10.
Theo Daily Mail